Có nên sử dụng viên nén sủi bọt cho bệnh nhân tăng huyết áp?

1393

 • Viên nén sủi bọt là gì?

 Viên nén sủi bọt là một loại viên được pha thành dung dịch trước khi uống. Do đó, viên nén sủi bọt cũng phải chứa các thành phần dễ tan trong nước.

 • Ưu điểm của viên nén sủi bọt

 Do được pha thành dung dịch trước khi uống nên thuốc được hấp thu nhanh, sinh khả dụng cao, giảm được tác động kích ứng dạ dày của dược chất. Đây là dạng thuốc thích hợp cho những bệnh nhân khó   nuốt viên nén, làm giảm kích ứng niêm mạc cho một số dược chất, thuốc được hấp thu nhanh, sinh khả dụng cao, che giấu mùi vị.

 • Nhược điểm của viên nén sủi bọt

 Viên phải được điều chế và bảo quản trong điều kiện tránh ẩm do chứa một lượng muối kiềm khá lớn (natri carbonat, natri hydrocarbonat, kali carbonat), cũng vì vậy mà viên sủi không dùng cho người kiêng muối (bệnh nhân tăng huyết áp, suy thận). Một số trường hợp viên sủi gây kiềm hóa máu làm ảnh hưởng đến hấp thu một số thuốc khác. Đây cũng là dạng thuốc phải giữ nguyên viên, thậm chí phải bảo quản thật tốt để tránh hút ẩm làm hỏng thuốc và chỉ uống sau khi thuốc được hòa tan trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt và tan hoàn toàn. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống.

 • Lưu ý dành cho cán bộ y tế

 Bác sĩ nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng dạng viên nén sủi bọt cho các đối tượng bệnh nhân khác nhau.

 Quá trình truyền đạt y lệnh giữa bác sĩ và điều dưỡng cần rõ ràng, chính xác, tránh nhầm lẫn giữa dạng bào chế viên nén sủi bọt và các dạng bào chế khác.

 Khoa Dược cần cung cấp thông tin về dạng bào chế viên nén sủi bọt trên phần mềm sử dụng thuốc để bác sĩ có thể lựa chọn thuốc hợp lý.

Tổ TTT&DLS – KHOA DƯỢC

 Tài liệu tham khảo:

 1. Bộ Y tế (2011), Dược lâm sàng, NXB Y Học, Hà Nội.

 2. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (2019), Dược lâm sàng đại cương, NXB Y học, Tp. Hồ Chí Minh.

 3. Herbert A. Lieberman, Leon Lachman and Joseph B. Schwartz (1989), Pharmaceutical dosage forms: Tablet, Marcel Dekker, 2nd ed.