Khoa Phụ sản

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Khoa Phụ Sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.

Quy chế này áp dụng đối với Khoa Phụ Sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Khoa Phụ Sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.
Điều 2. Vị trí pháp lý
Khoa Phụ Sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh được thành lập theo Quyết định 11831/QĐ-ĐHTV ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh trên cơ sở tách từ khoa Khoa Ngoại – Sản – Phẫu thuật – Gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh. Nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ điều trị những bệnh lý về chuyên ngành Sản Phụ khoa, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo đúng quy trình kỹ thuật của Bộ y tế, tư vấn và chăm sóc sức khỏe về các bệnh lý Sản Phụ khoa cho người dân.
Điều 3. Chức năng – Nhiệm vụ
Chức năng

Khoa Phụ Sản là khoa lâm sàng có nhiệm vụ đỡ đẻ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ sơ sinh và khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa.

Khoa được bố trí liên hoàn, hợp lý để bảo đảm công tác chuyên môn.

Trang thiết bị y tế phải đồng bộ, đúng chuyên khoa theo phân hạng bệnh viện.

Hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực y tế, tham gia tuyên truyền bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, dân số kế hoạch hóa gia đình.
Nhiệm vụ:

1. Tại buồng khám bệnh chuyên khoa Phụ Sản của khoa Khám bệnh:
a. Các thành viên trong buồng khám bệnh đặc biệt chú ý thực hiện quy chế công tác khoa khám bệnh, quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
b. Một số công tác đặc thù khi khám chuyên khoa Phụ Sản:

Trưởng khoa khám bệnh có trách nhiệm: bố trí các buồng khám theo hạng bệnh viện:
• Buồng khám thai.
• Buồng khám phụ khoa.
• Buồng thủ thuật.
• Nơi cọ rửa và cất dụng cụ vệ sinh.

Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:
• Khám thai phải khai thác kỹ quá trình thai nghén, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng và làm hồ sơ bệnh án sản khoa.
• Khám bệnh phụ khoa phải khai thác kỹ tiền sử bệnh kết hợp với các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và làm hồ sơ bệnh án phụ khoa.
• Căn cứ vào kết quả khám bệnh cho người bệnh được điều trị nội trú hoặc ngoại trú theo quy định.

Nữ hộ sinh thực hiện:
Khám thai, phát hiện thai bất thường phải mời ngay bác sĩ sản khoa đến khám lại và giải quyết kịp thời.

2. Tại khoa điều trị và buồng thủ thuật:
a. Các thành viên trong khoa điều trị và buồng thủ thuật đặc biệt chú ý thực hiện quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
b. Phẫu thuật viên Phụ Sản phải bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.
c. Một số công tác đặc thù của khoa điều trị Phụ Sản:

Trưởng khoa Phụ sản có trách nhiệm:
• Bố trí khoa gồm hai bộ phận:
 Bộ phận Sản khoa: Buồng chờ đẻ, buồng đẻ thường, buồng đẻ khó, buồng đẻ nhiễm khuẩn, buồng làm thuốc, buồng sản phụ, buồng trẻ sơ sinh bệnh lý, nơi tắm trẻ sơ sinh, nơi pha sữa.
 Bộ phận Phụ khoa: Buồng khám bệnh, buồng thủ thuật.
• Bảo đảm sản phụ được vệ sinh cá nhân, mặc áo, váy của bệnh viện.
• Bảo đảm có đủ nước sạch và nước nóng cho sản phụ tắm rửa.

Bác sĩ Phụ Sản có trách nhiệm:
• Theo dõi sát sản phụ, ghi đầy đủ các diễn biến vào hồ sơ bệnh án khi có dấu hiệu cấp cứu về sản, phụ và thai nhi phải xử lý kịp thời.
• Thực hiện đỡ đẻ khó, khi cần phải can thiệp phẫu thuật thực hiện quy chế công tác khoa ngoại và quy chế công tác khoa phẫu thuật gây mê hồi sức.

Phẫu thuật viên có trách nhiệm:
• Thực hiện phẫu thuật, thủ thuật theo sự phân công của trưởng khoa.
• Tạo mọi điều kiện thuận tiện, thoải mái cho người phụ nữ được thực hiện các kỹ thuật khám chữa bệnh chuyên khoa.

Nữ hộ sinh thực hiện:
• Thực hiện đỡ đẻ thường.
• Đánh số sản phụ và trẻ sơ sinh, ghi phiếu theo dõi, tránh nhầm lẫn.
• Sau khi đỡ đẻ phải kiểm tra ngay trẻ sơ sinh: Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường phải báo cáo bác sĩ sản khoa để xử lý kịp thời và chuyển đến buồng nuôi dưỡng riêng.
• Tuyên truyền, hướng dẫn về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ – trẻ sơ sinh và kế hoạch hóa gia đình.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động

Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế, quy định của Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh và các quy định khác của Trường Đại học Trà Vinh .

Xây dựng mô hình quản lý hoạt động với điều kiện thực tế của Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh.

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực và tính sáng tạo của đội ngũ nhân viên y tế, viên chức trong Bệnh viện nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác khám chữa bệnh và giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

Phát huy thế mạnh hợp tác với các đơn vị, cơ sở y tế tuyến trên để phát triển mô hình hoạt động và chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện.

Chương II TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ NHÂN SỰ
Điều 5. Cơ cấu tổ chức
Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh, gồm các thành viên:

– Bác sĩ Trưởng khoa

– Bác sĩ Phó trưởng khoa

– Hộ sinh Trưởng khoa

– Các Bác sĩ điều trị

– Điều dưỡng hành chính

– Các Hộ sinh chăm sóc
Điều 6: Nhiệm vụ Trưởng khoa
Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc bệnh viện, trưởng khoa chịu trách nhiệm giúp giám đốc tổ chức, thực hiện các hoạt động của khoa và các nhiệm vụ được giao.

Căn cứ kế hoạch của bệnh viện, xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa để trình giám đốc bệnh viện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa phụ sản.

Tổ chức và chỉ đạo các thành viên trong khoa thực hiện tốt công tác thăm khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa.

Tham gia thực hiện các kỹ thuật về kế hoạch hóa gia đình tại khoa và tại cộng đồng.

Tổ chức tốt phẫu thuật sản phụ khoa theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

Tham gia tuyên truyền bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại khoa và tại cộng đồng.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc phân công.
Điều 7. Nhiệm vụ Phó Trưởng khoa
Dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa, Bác sĩ Phó trưởng khoa thực hiện nhiệm vụ sau:

Tham gia cùng Trưởng khoa xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa.

Kiểm tra đôn đóc nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ và qui chế chuyên môn

Tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế công tác khoa phụ sản.

Tổ chức và chỉ đạo các thành viên trong khoa thực hiện tốt công tác thăm khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh tại khoa.

Tham gia thực hiện các kỹ thuật về kế hoạch hóa gia đình tại khoa và tại cộng đồng.

Tổ chức tốt phẫu thuật sản phụ khoa theo đúng quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức.

Tham gia tuyên truyền bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại khoa và tại cộng đồng.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng khoa phân công.
Điều 8. Nhiệm vụ Bác sĩ điều trị.
Dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa, Phó trưởng khoa, Bác sĩ điều trị thực hiện nhiệm vụ sau:

Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện, đặc biệt phải chú ý thực hiện quy chế công tác khoa phụ sản, quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và quy chế công tác khoa chống nhiễm khuẩn.

Chịu trách nhiệm trước trưởng khoa phụ sản hoặc khoa ngoại về các công việc được phân công.

Đối với sản phụ đến khám thai hỏi tỉ mỉ về quá trình thai nghén, thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán rõ tuổi thai, tình trạng thai nghén, hướng dẫn sản phụ giữ gìn vệ sinh thai nghén.

Đối với người bệnh đến khám phụ khoa phải hỏi tỉ mỉ về bệnh sử, thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị.

Thực hiện đỡ đẻ khó sau khi đã thăm khám và xác định tình trạng thai và tiên lượng cuộc đẻ.

Trong trường hợp sản bệnh hoặc có nguy cơ tai biến sản khoa phải báo cáo trưởng khoa để hội chẩn và xử lý kịp thời.

Thực hiện các thủ thuật và phẫu thuật về sản, phụ theo sự phân công của trưởng khoa.

Tham gia công tác tuyên truyền giáo dục, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, phòng chống các bệnh phụ khoa và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.
Điều 9. Nhiệm vụ Hộ sinh trưởng khoa
Dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa và Trưởng phòng Điều dưỡng bệnh viện, Điều dưỡng Trưởng khoa có nhiệm vụ sau:

Tổ chức thực hiện công tác chăm sóc người bệnh toàn diện.

Hàng ngày đi thăm người bệnh. Nhận các y lệnh và điều trị và chăm sóc của trưởng khoa để tổ chức thực hiện.

Quản lý buồng bệnh và kiểm tra công tác vệ sinh, vô khuẩn chống nhiễm khuẩn trong khoa.

Kiểm tra đôn đốc, y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh và hộ lý thực hiện y lệnh của bác sĩ điều trị, quy chế bệnh viện, quy định kỹ thuật bệnh viện, báo cáo kịp thời trưởng khoa các việc đột xuất, những diễn biến bất thường của người bệnh để kịp thời xử lý.

Lập kế hoạch và phân công công việc cho y tá (điều dưỡng), nữ hộ sinh và hộ lý trong khoa.

Tham gia công tác đào tạo cho y tá (điều dưỡng) nữ hộ sinh, học viên, hộ lý và tham gia công tác chỉ đạo tuyến theo sự phân công.

Lập kế hoạch mua y dụng cụ, vật tư tiêu hao. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng, bảo dưỡng và quản lý tài sản, vật tư theo quy định hiện hành. Lập kế hoạch các yêu cầu sửa chữa dụng cụ hỏng.

Kiểm tra việc ghi sổ sách, phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc, công tác hành chính, thống kê và báo cáo trong khoa.

Theo dõi, chấm công lao động hàng ngày và tổng hợp ngày công để báo cáo.

Tham gia thường trực và chăm sóc người bệnh.

Ủy viên thường trực kiêm thư ký hội đồng người bệnh cấp khoa.
Điều 10. Nhiệm vụ Hộ sinh chăm sóc
Dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa và Điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng chăm sóc có nhiệm vụ sau:

Tiếp nhận, hướng dẫn sản phụ, người bệnh đến khám bệnh, điều trị, thực hiện đúng quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện.

Thăm khám thai, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ, theo dõi chuyển dạ chu đáo mọi mặt trước khi sản phụ đẻ, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường phải báo cáo bác sĩ để xử lý kịp thời.

Thực hiện đỡ đẻ thường, phụ bác sĩ thực hiện kỹ thuật đỡ đẻ khó.

Nữ hộ sinh trung cấp (nữ hộ sinh chính): thực hiện kỹ thuật chăm sóc sản phụ, người bệnh; vận hành và bảo quản các trang thiết bị y tế chuyên khoa theo sự phân công.

Nữ hộ sinh cao cấp (cử nhân nữ hộ sinh): thực hiện các kỹ thuật chăm sóc phức tạp khi nữ hộ sinh trung cấp không thực hiện được: thực hiện kỹ thuật hút điều hòa kinh nguyệt; trực tiếp theo dõi, chăm sóc những cuộc đẻ có nguy cơ cao, sử dụng thành thạo các thiết bị y tế trong khoa theo sự phân công.

Thực hiện đầy đủ, chính xác y lệnh của bác sĩ điều trị, thường xuyên theo dõi tình trạng sản phụ và trẻ sơ sinh, kịp thời báo cáo bác sĩ điều trị khi có diễn biến bất thường và ghi đầy đủ các diễn biến vào phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc.

Nhận và bàn giao tình trạng sản phụ, người bệnh, thuốc, công việc, tài sản đầy đủ với kíp thường trực.

Bảo quản tài sản, thuốc và các thiết bị y tế, hồ sơ bệnh án; vệ sinh buồng bệnh và buồng thủ thuật trong phạm vi được phân công.

Nghiêm túc thực hiện sự phân công của trưởng khoa và nữ hộ sinh trưởng khoa.

Tham gia nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học viên thực tập theo sự phân công của trưởng khoa.

Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các sản phụ và người bệnh tại khoa. Tham gia công tác chuyên khoa tại cộng đồng khi được phân công.
Điều 11. Nhiệm vụ Điều dưỡng hành chính

Thực hiện công việc thống kê theo quy định:

Ghi cập nhật sổ đăng ký người bệnh vào viện, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện và tử vong.

Báo cáo tình hình người bệnh hàng ngày, hàng tháng, 3, 6, 9 và 12 tháng theo quy định.

Chuyển bệnh án đã được trưởng khoa duyệt của người bệnh ra viện, tử vong đến phòng lưu trữ.

Bảo quản bệnh án, sổ, ấn chỉ và tài liệu trong khoa.

  1. Quản lý thuốc dùng hàng ngày cho người bệnh trong khoa.

Tổng hợp thuốc dùng hàng ngày theo y lệnh và viết phiếu lĩnh thuốc để trình trưởng khoa duyệt.

Lĩnh thuốc và bàn giao thuốc hàng ngày để y tá (điều dưỡng) chăm sóc thực hiện cho từng người bệnh theo y lệnh.

Kiểm tra sử dụng thuốc trực hàng ngày và bổ sung thuốc trực theo cơ số quy định.

Thu hồi thuốc thừa để trả lại khoa dược theo quy chế sử dụng thuốc.

Tổng hợp thuốc đã dùng cho mỗi người bệnh trước lúc ra viện.

Lĩnh dụng cụ y tế, văn phòng phẩm. Lập sổ theo dõi và cấp phát để sử dụng theo kế hoạch của y tá (điều dưỡng) trưởng và trưởng khoa.

Tham gia thường trực và chăm sóc người bệnh khi cần.

Thay y tá (điều dưỡng) trưởng khoa khi được ủy quyền.

Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Lãnh đạo Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Trường Đại học Trà Vinh có nhiệm vụ cụ thể hóa các quy định của Quy chế này để triển khai thực hiện trong các hoạt động của khoa.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn hoặc vướng mắc, Phó Trưởng khoa kịp thời đề xuất kiến nghị để Ban Giám đốc Bệnh viện xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy chế cho phù hợp với yêu cầu phát triển của Bệnh viện./.