Khoa Cấp cứu – HSTC – Nội TH

I. KHU CẤP CỨU – HỒI SỨC TÍCH CỰC GỒM KHU CẤP CỨU TỔNG HỢP VÀ KHU HỒI SỨC TÍCH CỰC

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ KHU CẤP CỨU

1. Chức năng, nhiệm vụ chung

a) Tiếp nhận và điều trị mọi trường hợp người bệnh cấp cứu được chuyển tới bệnh viện; b) Đánh giá, phân loại tình trạng bệnh và thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp theo mức độ ưu tiên cấp cứu đến khi người bệnh qua khỏi tình trạng nguy kịch và trong vòng 48 giờ phải chuyển người bệnh đến khoa Hồi sức tích cực hoặc một chuyên khoa phù hợp khi điều kiện bệnh nhân cho phép; c) Tổ chức làm việc theo ca/ thuờng trực tùy vị trí theo quy định. d) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy chế chuyên môn trong bệnh viện; đ) Tổ chức dây chuyền cấp cứu cùng với khoa Hồi sức tích cực hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa trong bệnh viện; e) Phối hợp chặt chẽ với trung tâm Cấp cứu 115 thực hiện cấp cứu và vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện khi có yêu cầu; g) Nghiên cứu khoa học, tư vấn và tuyên truyền giáo dục về cấp cứu cho cộng đồng; h) Đào tạo và tham gia đào tạo cán bộ; chỉ đạo tuyến về lĩnh vực cấp cứu cho tuyến dưới.

    2. Nhiệm vụ cụ thể

    Giải quyết các cấp cứu thông thường;

    Tiếp tục cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh tuyến trước chuyển về, người bệnh nặng của các khoa lâm sàng trong bệnh viện;

    Các trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

    Khi được nâng lên bệnh viện đa khoa hạng II

    Giải quyết các cấp cứu, trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên;

    Tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tiếp nhận các cấp cứu hàng loạt;

    CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ KHU HỒI SỨC TÍCH CỰC

    Khu Hồi sức tích cực là khoa lâm sàng có nhiệm vụ tiếp tục điều trị và chăm sóc tích cực những người bệnh của Khu Cấp cứu và của các khoa lâm sàng trong bệnh viện chuyển đến.

    Phối hợp với Khu Cấp cứu tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ.

    Phối hợp cùng với Khu Cấp cứu hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong bệnh viện.

    Trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh.
    II. KHU NỘI TỔNG HỢP

    QUY ĐỊNH CHUNG

    Khoa Nội tổng hợp là khoa lâm sàng, thực hiện các phương pháp không phẫu thuật để chữa bệnh.

    Trong khám bệnh, chữa bệnh phải kết hợp chặt chẽ lâm sàng, các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và kết hợp với các chuyên khoa.

    Khoa Nội tổng hợp là khoa trọng điểm, có liên quan đến nhiều chuyên khoa trong bệnh viện; khoa phải được bố trí ở trung tâm bệnh viện, thuận tiện cho công tác hồi sức cấp cứu người bệnh, làm các xét nghiệm cận lâm sàng.

    Tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học.

    QUY ĐỊNH CỤ THỂ

    1. Buồng khám chuyên khoa nội tại khoa khám bệnh:
    a. Giám đốc Bệnh viện có trách nhiệm:

    Tổ chức buồng khám chuyên khoa nội theo phân hạng bệnh viện.

    Buồng khám nội chung.

    Buồng khám chuyên khoa nội sâu.

    Buồng khám cấp cứu có giường lưu.

    Bố trí bác sĩ có kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn kỹ thuật phục vụ tại buồng khám chuyên khoa nội.
    b. Trưởng khoa có trách nhiệm:

    Thực hiện nhiệm vụ trưởng khoa lâm sàng.

    Tạo điều kiện trang bị, bảo đảm cho công tác của buồng khám chuyên khoa.
    c. Bác sĩ khám bệnh có trách nhiệm:

    Khai thác kỹ tiền sử của người bệnh, kết hợp với các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán, xác định bệnh, làm hồ sơ bệnh án ban đầu theo quy chế chẩn đoán, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị.

    Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm phải chuyển sang phòng khám chuyên khoa truyền nhiễm; khi có dấu hiệu bệnh của chuyên khoa khác là chính phải chuyển sang buồng khám chuyên khoa thích hợp.

    Gặp những bệnh khó chẩn đoán phải tổ chức hội chẩn.

    Sau khi thăm khám, tùy tình trạng người bệnh để giải quyết.

    Bệnh nhẹ: Kê đơn về nhà điều trị, hoặc thực hiện điều trị ngoại trú.

    Bệnh nặng: cho vào viện.

    Bệnh còn nghi ngờ chưa xác định bệnh, cho nằm lưu theo dõi, nhưng không được để lưu quá 24 giờ.
    d. Điều dưỡng có trách nhiệm:

    Tiếp đón người bệnh theo quy chế công tác khoa khám bệnh.

    2. Tại khoa điều trị:
    Khi mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp dù nhẹ hay nặng, hoặc có tiền sử tiếp xúc, phơi nhiễm yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải tự giác không tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và có biện pháp phòng hộ cá nhân không để lây nhiễm sang đồng nghiệp…
    a. Giám đốc Bệnh viện có trách nhiệm:

    Giao kế hoạch giường bệnh, căn cứ vào nhiệm vụ của bệnh viện phù hợp theo nhóm bệnh: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, buồng người bệnh nặng, nhẹ, buồng cấp cứu…

    Tạo điều kiện cho khoa bảo đảm nhiệm vụ: có buồng làm thủ thuật, để dụng cụ, thuốc cấp cứu, chuẩn bị tiêm truyền, chuẩn bị ăn cho người bệnh. Đủ nước sạch cho người bệnh sử dụng.

    Bố trí nơi làm việc của trưởng khoa, bác sĩ điều trị, buồng hành chính khoa, buồng vệ sinh, buồng tắm cho các thành viên trong khoa sử dụng.
    b. Trưởng khoa Nội tổng hợp có trách nhiệm:

    Thực hiện quy chế nhiệm vụ Trưởng khoa lâm sàng.
    c. Bác sĩ điều trị có trách nhiệm:

    Thăm khám người bệnh ngay, bổ sung hồ sơ bệnh án, cho làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán xác định bệnh, ghi y lệnh điều trị, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng…

    Mời hội chẩn theo quy chế hội chẩn trong trường hợp bệnh nặng, khó chẩn đoán hoặc liên quan đến các chuyên khoa khác.

    Phát hiện kịp thời và xử lý khẩn trương theo quy chế cấp cứu người bệnh có diễn biến nguy kịch.

    Thăm khám lại người bệnh mỗi ngày ít nhất một lần: sau mỗi lần thăm khám phải ghi vào hồ sơ bệnh án, ghi rõ họ tên và chức danh.

    Khi thực hiện các thủ thuật nội khoa, phải giải thích cho người bệnh biết, thực hiện các quy định kỹ thuật bệnh viện, bảo đảm chất lượng và an toàn cho người bệnh: trường hợp phối hợp với các chuyên khoa khác phải trao đổi để chọn kỹ thuật phù hợp, ghi vào hồ sơ bệnh án đầy đủ và chuẩn bị phương tiện cấp cứu chu đáo.
    d. Điều dưỡng có trách nhiệm:

    Tiếp đón ngay người bệnh và đưa người bệnh vào buồng bệnh.

    Khai thác các chỉ số sinh tồn, mời bác sĩ điều trị đến thăm khám và nghiêm chỉnh thực hiện y lệnh.

    Đưa người bệnh có chỉ định đi khám chuyên khoa trong hoặc ngoài bệnh viện và mang theo hồ sơ bệnh án của người bệnh.

    Phổ biến nội quy bệnh viện, hướng dẫn nơi ăn, ở, vệ sinh, giáo dục sức khỏe cho người bệnh; phải thực hiện nghiêm chỉnh quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện.

    Hỗ trợ người bệnh nặng tắm rửa, cắt tóc và vệ sinh cá nhân theo quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện.